CIO là gì ?


CIO (Chief Information Officers) là thuật ngữ chỉ một chức danh mới trong các công ty, xuất hiện trên thế giới từ năm 1994. Mỹ, , là những quốc gia sớm có CIO và hệ thống CIO ở những nước này được coi là tương đối chuẩn mực. Một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, , đều có hệ thống chức danh CIO. Mặc dù mới được chính thức triển khai từ năm 1996 - 1997 đến nay, nhưng vị “tân giám đốc” này đã phát huy được vai trò định hướng phát triển và quản lý công nghệ thông tin trong các chiến lược kinh doanh, bổ sung vào đội ngũ các nhà quản lý cao cấp của công ty

Tiêu chuẩn của một CIO



Ngày nay, khái niệm thông tin phải được hiểu là thông tin điện tử, được sinh ra, lưu trữ, xử lý và phân phối trong mọi hoạt động của một công ty bằng công cụ của công nghệ thông tin là máy tính, phần mềm, viễn thông,... Vì vậy, nếu chỉ nghĩ CIO là giám đốc phụ trách công nghệ thông tin là không chính xác. Các chuyên gia cho rằng khi thông tin được nhìn nhận là nguồn lực quan trọng trong các công ty thì CIO là người chịu trách nhiệm về việc sử dụng hiệu quả nguồn lực này phục vụ cho quá trình phát triển của công ty mình.


Để đảm đương được những nhiệm vụ quan trọng, CIO cần phải hội đủ được 3 tố chất: Năng lực lãnh đạo; hiểu biết sâu về công nghệ thông tin và có năng lực phân tích, xử lý thông tin. Bên cạnh đó, những tiêu chuẩn quan trọng khác là khả năng nhìn xa trông rộng; dũng cảm, tự tin, sáng suốt khi ra quyết định; nắm vững mục tiêu, nguyên tắc khi tiền hành công việc. Các CIO phải nắm vững các công nghệ có tác dụng thúc đẩy công ty phát triển; hiều biết về công việc kinh doanh; có khả năng giao tiếp tốt; có năng lực quản lý và năng lực thực hiện những đổi thay mang lại lợi ích cho công ty; có hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm về ngành công nghiệp đặc thù; có khả năng tập hợp, phát triển và duy trì đội ngũ các nhà chuyên môn có trình độ cao. “Một CIO giỏi là một CIO có ảnh hưởng về chiến lược (Strategic Impact); ảnh hưởng về khách hàng (Customer Impact); ảnh hưởng về tài chính (Financial Impact; ảnh hưởng về hoạt động (Operational Impact); ảnh hưởng về xã hội (Social Impact)”, Jeffrey Adam nhận định.
CIO trước hết phải là một nhà lãnh đạo cao cấp. Bởi chỉ có vị trí đó, CIO mới nắm được mục tiêu, viễn cảnh, những hoạch định dài hạn, trung hạn của công ty đồng thời có thể đảm bảo nguồn lực, kết nối các bộ phận, chỉ đạo cương quyết và chịu trách nhiệm việc thực hiện các dự án kinh doanh thường xuyên được triển khai tại công ty. Jeffrey Adam cũng bổ sung: "Là lãnh đạo cao cấp, tất nhiên một CIO phải có những kỹ năng mang tính chuyên nghiệp như giao tiếp, phong cách và tư duy làm việc có tính hệ thống quy củ, đồng thời phải có sự nhạy cảm trong lĩnh vực chuyên môn. Khả năng tập hợp lực lượng, tính quyết đoán cũng là phẩm chất của bất cứ lãnh đạo nào”.

Tiếp theo, để trở thành CIO, bạn cần có nhiều khả năng, kỹ năng nổi trội khác, vừa là một nhà khoa học, vừa là một nhà ngoại giao. Đó là các khả năng tương tác và xã hội hoá với các nhân viên trong công ty, các nhóm hay cộng đồng; khả năng thuyết phục; khả năng giao tiếp rành mạch cả viết và nói. Riêng về hành vi cá nhân, CIO phải là người đi tiên phong, sáng tạo và nhiệt tình trong mọi công việc; vừa là người thân thiện nhưng lại kín đáo, tự tin, nhạy cảm. Bên cạnh đó, CIO còn phải có khả năng tìm kiếm thông tin phân tích, kiên nhẫn trong triển khai, thực hiện mọi công việc; linh hoạt trong xử lý công việc và có kiến thức cơ bản, chuyên môn phù hợp với mục đích của tổ chức. Nghe có vẻ cao xa nhưng thực ra trình độ công nghệ thông tin của CIO chỉ cần những hiểu biết có tính chất nguyên lý, cơ bản như thông tin điện tử hóa được lưu trữ, xử lý như thế nào trong máy tính, thông tin từ một PC được gửi đến phục vụ nhiều người ra sao, các máy tính có thể kết nối với nhau, và khi kết nối như vậy, chúng có các giá trị gì. Rồi Internet hiểu đơn giản là gì, thế nào là hệ thống phân tán, hệ thống tập trung...

Sự quan tâm không trọn vẹn

Do chức danh CIO còn khá mới mẻ nên tại nhiều công ty, vai trò của thông tin chưa được đề cao và CIO mới chỉ được xem là người quản lý về công nghệ thông tin hơn là nhà lãnh đạo thông tin. Ngoài ra, cũng vì rất nhiều lý do cả về chủ quan và khách quan, chức danh CIO gần như chưa chính thức hình thành trong các công ty mà đơn thuần chỉ dừng lại ở bộ phận trợ lý thông tin,... Không ít công ty tuyển dụng về cho mình các nhân viên chuyên trách vị trí này từ các ứng viên tốt nghiệp ngành báo chí, thư viện... Công việc của họ ngoài các nhiệm vụ chính nêu trên còn là cung cấp thông tin cho báo chí và cùng với bộ phận về kế hoạch kinh doanh, lập kế hoạch marketing cho công ty.

Tuy nhiên, khá nhiều vấn đề đã nảy sinh với các nhân viên này vì dường như rất ít người đưa ra được những đề xuất với giám đốc về các kế hoạch kinh doanh một cách bài bản mà thường thì theo mối quan hệ của Ban giám đốc hoặc của Phòng kế hoạch kinh doanh và sau đó các trợ lý thông tin được giao nhiệm vụ để cùng với những bộ phận khác khuyếch trương hình ảnh công ty và lăng xê thương hiệu. Mỗi khi công ty cần tổ chức họp báo hoặc trình diễn giới thiệu sản phẩm, họ có nhiệm vụ lên danh sách khách mớif, báo chí... Và thường thì việc mời nhà báo chủ yếu là theo các mối quan hệ bè bạn là chính trong khi đó lại dường như quên mất những nhà báo chuyên theo dõi công nghệ thông tin cũng như chính nhữung chuyên gia trong giới thường xuyên cộng tác với báo chí. Đương nhiên, hiệu quả tuyên truyền của công ty là không đạt yêu cầu và như thế là lãng phí.

Nhiều chuyên gia đã và đang đi tìm câu trả lời đích thực xem vì sao chính các công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin lại chưa xây dựng được chức danh CIO trong khi chính họ chứ không phải ai khác lại là những người đang tích cực tuyên truyền và đấu tranh để xây dựng chức danh này. Liệu rằng có phải họ cũng đang thực sự khó khăn trong việc xây dựng chức danh này trong công ty mình do chưa lựa chọn được người xứng đáng hay vì một lý do nào khác?
Câu trả lời vẫn để ngỏ nhưng có một điều hiển nhiên là việc thiếu chức danh CIO trong nhiều trường hợp có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các công ty như trường hợp sau đây: Không hài lòng với việc các cơ quan chức năng của nhiều quốc gia trên thế giới quyết định sử dụng mã dựng sẵn unicode làm tiêu chuẩn quốc gia với các dữ liệu điện tử trên máy tính, tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới, Microsoft đã liên tục cung cấp thông tin đến báo chí để phản đối mã dựng sẵn và thậm chí còn tuyên bố không hỗ trợ mã này khiến dư luận rất hoang mang. Trong điều kiện đó, tiếc rằng do thiếu các thông tin từ phía các cơ quan chức năng cũng như chính các công ty sở hữu bản quyền mã dựng sẵn unicode tại mỗi quốc gia khiến nhiều người cho rằng Microsoft đúng.

Trong một chừng mực nào đó, các công ty sở hữu bản quyền mã dựng sẵn unicode thậm chí còn bị hiểu nhầm là móc ngoặc với các quan chức năng để dựng ra tiêu chuẩn, gây tốn kém ngân sách quốc gia và đi ngược lại với những gì mà người khổng lồ phần mềm đang thống trị thế giới muốn áp đặt. Dường như trong hoàn cảnh đó, rất ít người hiểu được lẽ phải của công ty sở hữu bản quyền mã dựng sẵn unicode trong khi bản thân họ không phải là không đưa thông tin tới báo chí, song đáng tiếc những khái niệm về kỹ thuật chuyên sâu lại không được diễn giải rõ ràng và dễ hiểu để báo chí có thể sử dụng được. Chính nhờ tiêu chuẩn mà họ xây dựng và được sự công nhận của các cơ chức năng mà quốc gia sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền bởi nếu sử dụng mã tổ hợp, chưa bàn đến yếu tố bản quyền tất yếu phải trả thì cấu hình máy tính phải tương đối hiện đại mới có thể chạy được.

Hỏi ra mới biết, trong cơ cấu tổ chức của công ty sở hữu bản quyền mã dựng sẵn unicode hoàn toàn không có chức danh CIO để lo những công việc đó. Nhìn chung, bản thân các công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn rất nhiều lúng túng trong bài toán xử lý thông tin cả về yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Song có lẽ chính họ cũng sẽ không thể không đi đầu trong việc thiết lập vị trí này để làm gương cho các công ty khác nhằm hướng tới một nền thương mại điện tử hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ thông tin ở mọi công ty sẽ khó có thể phát triển nếu như không có một quy trình điều hành và quản trị thông tin chuyên nghiệp với một chức danh chịu trách nhiệm trước hội đồng quản trị và toàn thể công ty.

Có thể nói, thương trường là chiến trường và đương nhiên trong sự cạnh tranh ấy, thông tin cũng là một mặt trận hết sức quan trọng và không thể khoan nhượng. Trong cuộc chiến tranh thông tin này, có những tín hiệu không phải ai cũng nhận thấy và để xử lý được các thông tin đó thì nhiều khi bộ phận trợ lý thông tin lại không có đủ kiến thức chuyên môn cần thiết. Do vậy, việc công ty có được một CIO để đảm đương công việc này đang trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết.
(Dịch từ IT&D) 

4 comments: